Ở đây mình nhấn mạnh một điều trước, loạt bài này phân loại trợ từ theo chức năng, nên có một số trợ từ sẽ thể hiện nhiều chức năng/ý nghĩa hơn nhưng mình sẽ không đề cập đến, mà chỉ nói đến chức năng đã được phân loại mà thôi. Ví dụ から~まで không chỉ áp dụng cho thời gian nhưng cũng có thể áp dụng cho nơi chốn, nhưng trong bài này mình chỉ nói đến thời gian, còn ý nghĩa nơi chốn sẽ để dành cho một bài viết khác.
Bây giờ các bạn cùng mình theo dõi 10 trợ từ chỉ thời gian trong tiếng Nhật nhé.
1.Trợ từ に (ni)
Trợ に rất quen thuộc với các bạn từ sơ cấp khi được sử dụng để đứng sau một danh từ điểm thời gian mà lúc đó hành động diễn ra hoặc là đứng sau một danh từ khoảng thời gian mà trong suốt thời gian đó hành động diễn ra. Điểm thời gian ở đây có thể là 3時 (3 giờ), khoảng thời gian có thể là 1週間 (trong 1 tuần). Ví dụ:
明日の会議は3時に始まります。
Cuộc họp ngày mai bắt đầu lúc 3 giờ.
1週間に1回ピアノのレッスンに行きます。
Tôi đi học piano 1 tuần 1 lần.
Tuy nhiên có một số trường hợp, dù danh từ mang ý nghĩa thời gian nhưng KHÔNG đi kèm với trợ từ に, gặp những trường hợp này cần tránh sử dụng trợ từ に nhé, đó là:
- Danh từ Ngày (日): 昨日 (hôm qua), 今日 (hôm nay), 明日 (ngày mai)
- Danh từ Tuần (週): 先週 (tuần trước), 今週 (tuần nầy), 来週 (tuần tới)
- Dah từ Tháng (月): 先月 (tháng trước), 今月 (tháng này), 来月 (tháng tới)
Ví dụ, bạn sẽ không dùng trợ từ に trong các cách diễn đạt sau:
今週は寒い日が多い。
Tháng này có nhiều ngày lạnh.
来月海外旅行に行く。
Tháng tới tôi sẽ đi du lịch nước ngoài.
Và bên cạnh đó, có một số danh từ thời gian mà bạn CÓ THỂ hoặc KHÔNG CẦN dùng trợ từ に cũng được, đó là những danh từ mùa như là 春 (xuân), 夏 (hạ), 秋 (thu), 冬 (đông). Trong các ví dụ sau bạn có thể dùng hoặc không dùng trợ từ に nếu muốn mà vẫn đúng.
冬は東京に行きますが、夏にハワイに行きます。
Mùa đông tôi đi Tokyo nhưng mùa hè tôi đi Hawai.
去年の秋は韓国にいました。
Mùa thu năm ngoái tôi ở Hàn Quốc.
Mình có một bài viết chi tiết hơn nữa về trợ từ に trong ý nghĩa chỉ thời gian, các bạn có thể xem tại đây nhé!
2.Trợ từ から (kara)
から đi theo sau một điểm thời gian để diễn tả kể từ điểm thời gian đó hành động được thực hiện. から đôi khi cũng có thể thay thế cho trợ từ に, nhưng với から nhấn mạnh nhiều hơn đến thời điểm bắt đầu của hành động. Thế nên, bạn có thể dịch là “từ lúc”. Ví dụ:
学校は8時半からです。
Trường học bắt đầu từ lúc 8 giờ rưỡi.
投票が出来るのは、20歳からです。
Có thể bầu cử từ 20 tuổi.
明日の会議は3時から始まります。
Cuộc họp ngày mai bắt đầu từ lúc 3 giờ.
Trong câu ví dụ này bạn hoàn toàn có thể thay thế bằng trợ từ に (tương tự như ví dụ trên của trợ từ に).
3.Trợ từ まで (made)
Ngược lại với から, まで diễn tả cũng đi sau một điểm thời gian nhưng tại điểm thời gian đó hành động sẽ kết thúc hoặc tiếp diễn cho đến kết thúc tại điểm thời gian đó. Vậy nên bạn có thể dịch là “cho đến lúc”, “cho đến khi”. Ví dụ:
会議は3時半まで続きました。
Cuộc họp đã kéo dài cho đến 3 giờ rưỡi.
Đôi khi, まで không theo sau một điểm thời gian giờ giấc nào cả, nhưng sau một động từ, hoặc một tính từ. Mục đích ở đây là muốn tạo ra một cái mốc thời gian mà thôi, để tại mốc thời gian đó hành động chính trong câu sẽ kết thúc (như là cho đến lúc mệt, cho đến lúc trễ). Ví dụ:
疲れるまで走ろう。
Chạy cho đến khi mệt.
昨日は遅くまで仕事をした。
Hôm qua tôi làm việc đến trễ.
4.Trợ từ までに (made ni)
までに theo sau điểm thời gian để nói rằng tại điểm thời gian đó hành động sẽ phải kết thúc. Nếu xét sơ qua có thể bạn sẽ thấy giống với まで. Nhưng thực ra, まで chỉ đơn thuần phát biểu một hành động tiếp tục cho đến lúc kết thúc, còn までに muốn nhấn mạnh thời điểm kết thúc để cảnh báo người nghe về áp lực thời gian hơn là nhấn mạnh sự tiếp diễn kéo dài của hành động như まで.
Một vài ví dụ:
明日10時までに、空港に集まってください。
Hãy tập trung tại sân bay [trễ nhất] cho đến 10 sáng mai.
Như ví dụ trên, nếu bạn sử dụng まで sẽ không thể tạo sự chú ý với người nghe về áp lực thời gian, nên khi dùng までに người nghe sẽ hiểu rằng cần phải [khẩn trương] tập trung tại sân bay trước [trễ nhất] 10 giờ. Một ví dụ khác:
この種類のコピーを昼までに取らなければなりません。
Tôi phải lấy bản copy tài liệu này trước giờ trưa.
5.Trợ từ から~まで (kara ~ made)
Nếu xét đây là một nhóm trợ từ tách biệt trong 10 loại trợ từ chỉ thời gian như bài học này nói thì cũng không chính xác lắm, nó thực ra là sự kết hợp giữa hai trợ từ quen thuộc から và まで mà thôi. Cùng với đó, から sẽ vạch ra điểm thời gian bắt đầu, まで sẽ nêu ra điểm thời gian kết thúc. Và trong suốt khoảng thời gian đó hành động được diễn ra. Bạn có thể dịch là “từ… đến…”. Ví dụ:
仕事は月曜日から金曜日までです。
Công việc [của tôi] bắt đầu từ thứ hai cho đến thứ sáu.
デパートは10時から8時まで開いています。
Cửa hàng bách hoá mở cửa từ 10 giờ cho đến 8 giờ.
6.Trợ từ より (yori)
Trợ từ より diễn tả một điểm thời gian chính xác giống như から (tại điểm thời gian đó hành động bắt đầu). Tuy nhiên, chỉ khác biệt ở chỗ, より được sử dụng trong bối cảnh trang trọng, một cách nói lịch sự mang tính nghi thức nhiều hơn. Ví dụ:
Cuộc hợp báo của tổng thống sẽ được tổ chức lúc 3 giờ.
入社式は午前10時より11時半までの予定。
Lễ chào mừng nhân viên mới dự định từ 10 giờ đến 11 giờ rưỡi sáng.
7.Trợ từ ほど (hodo)
Trong ý nghĩa chỉ thời gian, ほど diễn tả một lượng thời gian ước chừng, với hàm ý đó là thời gian tối đa cho hành động. Bạn có thể dịch là “khoảng” nhưng phải hiểu rằng đó là khoảng thời gian tối đa chấp nhận được. Ví dụ:
電車の到着は、事故のため30分ほど遅れます。
Vì gặp tai nạn nên chuyến tàu sẽ đến trễ khoảng 30 phút.
Một khi được diễn đạt như vậy, người nghe sẽ hiểu, tối đa 30 phút nữa đoàn tàu mới có thể đến được.
今会社を出ますので、後15分ほどしたらそちらに伺います。
Bây giờ tôi rời công ty, tôi sẽ đến sau 15 phút nữa.
Trong trường hợp này cũng vậy, người nghe sẽ phải chờ tối đa 15 phút nữa để người nói quay trở lại.
8.Trợ từ くらい / ぐらい (kurai / gurai)
Một điểm lưu ý với くらい / ぐらい đó là, cũng mang nghĩa là “khoảng” khi đi kèm với một lượng thời gian ước chừng nào đó, nhưng đó là khoảng thời gian tối thiểu có thể chấp nhận được. Rõ ràng bạn sẽ thấy ý nghĩa ngược lại với ほど. Không có sự phân biệt khắc khe giữa くらい và ぐらい, bạn hoàn toàn có thể thay thế nhau được.
家から会社まで40分くらいかかります。
Từ nhà đến công ty mất khoảng 40 phút.
Một khi người nói nói như vậy, bạn sẽ hiểu ràng mất khoảng ít nhất là 40 phút chứ không nhiều hơn.
仕事は後5分くらいで終わりますので、少しお待ちください。
Công việc sẽ kết thúc sau [ít nhất] 5 phút nữa, xin vui lòng đợi một chút.
Du gì đi nữa, người Nhật cũng rất kĩ lưỡng trong vấn đề thời gian, nên bạn cần hiểu rõ mình nên dùng ほど hay くらい để phân biệt khoảng thời gian tối đa và khoảng thời gian tối thiểu.
9.Trợ từ ころ / ごろ (koro / goro)
Nếu くらい / ぐらい và ほど diễn tả một khoảng thời gian ước chừng thì ころ / ごろ lại diễn tả một điểm thời gian ước chừng. Không có phân biệt khắt khe giữa ころ và ごろ nên bạn hoàn toàn có thể sử dụng thay thế nhau được. Với ころ / ごろ bạn vẫn dịch là “khoảng” nhưng đây là mốc thời gian không phải khoảng thời gian nhé.
3時ごろ、そちらに伺います。
Tôi sẽ gọi cho bạn khoảng 3 giờ.
毎朝6時ごろ起きます。
Mỗi sáng tôi thức dậy khoảng 6 giờ.
Ở góc độ văn hoá, nếu bạn đã hẹn khoảng 3 giờ, có nghĩa bạn sẽ đến/gọi trước 3 giờ nhé. Không thể xét dưới khía cạnh toán học, khoảng 3 giờ thì cứ đến/gọi lúc 3 giờ 5, hay 3 giờ được. Như vậy xem như là trễ giờ với người Nhật.
10.Trợ từ ばかり (bakari)
Trong ý nghĩa chỉ thời gian, trợ từ ばかり sẽ theo sau một động từ ở thể た (thể quá khứ). Khi đó, sẽ mang nghĩa là “vừa” hàm ý một hành động nào đó vừa mới hoàn tất. Ví dụ:
A:遅れました。お待たせして、すみません。
B:いいえ、私も今来たばかりです。
A:Tôi trễ mất rồi, xin lỗi đã để bạn chờ.
B:Không sao, tôi cũng chỉ vừa mới đến thôi.
Một ví dụ khác:
掃除したばかりなのに、もう散らかしたのね。
Vừa mới dọn dẹp xong đã xả tứ tung.
Trên đây là những trợ từ tiếng Nhật trong ý nghĩa chỉ thời gian, nếu bạn cảm thấy nó quá nhiều thì thật ra chỉ là một mảng nhỏ trong thế giới phong phú của trợ từ mà thôi. Các bạn đón xem những bài viết sau của Nihonblog để khám phá tiếp nhé.