in Tiếng Nhật tổng hợp

Bất biến trong tiếng Nhật – ないうちに và ないかぎり

Nếu đã đọc qua các bài học trước, có lẽ bạn đã hiểu rõ thế nào là ý nghĩa bất biến rồi nhỉ? Bài học này, mình sẽ cộng thêm vào ý nghĩa bất biến đó một yếu tố khác, đó là phủ định ない. Chúng ta cùng xét qua hai điểm ngữ pháp ないうちに và ないかぎり.

V-ないうちに

(trong lúc chưa…)

Diễn tả ý nghĩa trong lúc hành động nào đó không (hoặc chưa) diễn ra thì một hành động khác được thực hiện. Ví dụ:

知らないうちにとなりは引っ越していた。

Nhà hàng xóm đã dọn đi hồi nào tôi không biết.

(trong lúc tôi không biết gì, thì nhà hàng xóm đã dọn đi)

hoặc là:

お母さんが帰ってこないうちに急いでプレゼントをかくした。

Tôi đã nhanh chóng cất giấu món quà trong lúc mẹ chưa về tới.

(trong lúc mẹ chưa về thì tôi đã nhanh chóng cất giấu món quà)

Cách dịch thứ 2 trong ngoặc là mình cố ý dịch cho bạn hiểu rằng “trong lúc duy trì một trạng thái bất biến thì hành động khác thực hiện”. Xét về ý nghĩa, cách nói này cũng giống như cách nói sử dụng 前に (trước khi việc gì đó xảy ra). Ví dụ như trong câu trên bạn cũng có thể nói là:

お母さんが帰る前に急いでプレゼントをかくした。

Tôi đã nhanh chóng cất giấu món quà trước khi mẹ về.

V-ないかぎり

(nếu không…)

Dịch là “nếu không” sẽ không thấy được tính bất biến của ý nghĩa này. Nói chính xác là V-ないかぎり diễn tả ý nghĩa “suốt trong lúc sự việc đó chưa xảy ra thì không thể nào (hoặc chắc chắn phải) xảy ra sự việc khác”. Có một điều kiện ràng buộc chặt chẽ giữa hai hành động ở đây. Ví dụ:

練習しない限り、上達じょうたつもありえない。

Nếu không luyện tập thì không thể có sự tiến bộ.

hoặc là:

彼はテストのために勉強するのを忘れない限り、大丈夫だと思います。

Tôi nghĩ nếu anh ấy không quên học để thi thì sẽ ổn cả thôi.

Vế sau thường mang ý nghĩa phụ thuộc hoàn toàn vào vế đầu có thoã mãn hay không. Điểm ngữ pháp này cũng có thể xếp vào loại “điều kiện” thay vì “bất biến”, và cũng thường hay xuất hiện trong các đề thi năng lực Nhật ngữ để trắc nghiệm khả năng nắm vững kiến thức ngữ pháp của bạn.

Viết bình luận

Comment