Có hai động từ trong tiếng Nhật được dịch ra tiếng Việt là “nghĩ” hay “suy nghĩ”: đó là 思う (おもう) và 考える(かんがえる). Mặc dù cả hai được sử dụng khá phổ biến, nhưng ít có sách giáo khoa nào giải thích rõ ràng về sự khác biệt giữa hai từ này. Khiến cho nhiều bạn mới học không biết cách nào để phân biệt chúng.
Vì cả hai 思う và 考える đều được dịch là “nghĩ”. Đôi khi chúng có thể được thay thế cho nhau. Thậm chí chính người bản ngữ cũng có lúc gặp khó khăn khi giải thích lý do vì sao chọn từ này để dùng mà lại không chọn từ kia. Mặt khác, cũng có lúc chúng thay thế cho nhau nhưng lại mang sắc thái khác nhau. Là điều và bản dịch “nghĩ” hay “suy nghĩ” không thể chỉ ra cách rõ ràng được.
Để giúp bạn hiểu rõ sự khác biệt giữa 思う và 考える, bài viết này sẽ được chia thành hai phần. Mục đích là sẽ nhấn mạnh vào việc phân loại “suy nghĩ”: có suy nghĩ mang tính chủ động, có suy nghĩ chia sẻ quan điểm. Phân biệt các loại suy nghĩ này sẽ khiến bạn hiểu rõ vấn đề hơn. Vì một câu được hình thành với 思う và 考える sẽ tự nhiên hơn trong một tình huống nhất định, tùy thuộc vào loại suy nghĩ nào mà bạn muốn diễn đạt.
Cho đến cuối bài, bạn sẽ hiểu rõ thực sự ý nghĩa của 思う và 考える cũng như khác biệt giữa chúng. Và khi bạn đã có sự hiểu biết sâu sắc hơn về chúng, mình hy vọng bạn cũng tự tin hơn trong khi nói tiếng Nhật.
- Suy nghĩ bằng con tim và lý trí
- Suy nghĩ chủ động
- Suy nghĩ chia sẻ quan điểm
- Vậy, bạn nghĩ gì về việc “suy nghĩ”?
Suy nghĩ bằng con tim và lý trí
Trước khi chúng ta bước vào phân loại những suy nghĩ khác nhau, hãy cùng xem xét sự khác biệt cơ bản nhất giữa 思う và 考える. 思う là một cái gì đó mang tính tự phát, giống như hình ảnh/suy nghĩ nào đó bỗng nổi liên trong tâm trí bạn một cách rất tự nhiên. Thế nên, có thể nói 思う đến từ con tim hơn là lý trí. Còn 考える thì khác, nó nói về việc bạn sử dụng đầu để suy tư và đi đến kết luận. Thế nên, 考える thiên về lý trí hơn là sự bộc phát của con tim.
Nói đến đây, có lẽ bạn sẽ nghĩ 思う sẽ mang ý nghĩa giống như là “cảm thấy”, đúng không? Phải! 思う có những điểm chung tương đồng với 感じる (かんじる) – tiếng Nhật có nghĩa là “cảm thấy”, “cảm nhận”. Mặc dù 感じる không phải là trọng tâm của bài viết này, nhưng có lẽ bạn cũng nên nhớ rằng nó khá là tương đồng với 思う hơn là với 考える. Thực tế, 思う thậm chí có thể được dịch là “tôi cảm thấy như là …” trong một số trường hợp.
Nếu bạn vẫn còn cảm thấy hơi mờ mịt về sự khác biệt giữa 思う và 考える, đừng lo lắng. Chúng ta sẽ còn tiếp tục chứng mình sự khác biệt này một cách chi tiết hơn với rất nhiều ví dụ thực tế.
Suy nghĩ chủ động
Để bắt đầu, bạn cần hiểu như thế nào là “suy nghĩ chủ động”? Suy nghĩ chủ động là muốn nói khi bạn cố gắng tập trung suy nghĩ về một điều gì đó. Vì lý do này, bạn sẽ thường thấy trợ từ を đánh dấu điều mà bạn đang nghĩ tới. Về mặt ngữ pháp, trợ từ を nói cho chúng ta biết đối tượng của động từ là gì. Ví dụ:
ラーメンを食べる。
Tôi ăn mì ramen
Trong câu trên, trợ từ を (wo) xuất hiện sau danh từ ラーメン, cho chúng ta biết đó là đối tượng của câu. Nói cách khác, nó cho chúng ta biết những gì được ăn. Vậy khi chúng ta sử dụng trợ từ を với 思う và 考える, nó cũng đánh dấu đối tượng và chúng ta biết những gì đang được nghĩ đến.
Do nhấn mạnh vào suy nghĩ có mục đích, 考える thường được sử dụng cho những suy nghĩ mang tính chủ động (nhấn mạnh không phải bộc phát). Trong những câu như thế, chúng ta đang nói về loại suy nghĩ hướng đến mục tiêu và tìm cách đi đến một kết luận hợp lý. Trong khi đó, 思う thì hạn chế hơn một chút. Dĩ nhiên, suy nghĩ nào cũng là của người nói, cũng có sự chủ động trong đó. Nhưng 思う khiến người nghe có cảm giác “ít hành động” hơn, mang sắc thái của con tim hay cảm tính hơn là lý trí. Nếu bạn sử dụng 思う cho suy nghĩ chủ động, thì khó thể đi đến một kết luận xác đáng.
思う và 考える để suy nghĩ về một điều gì đó
Khi 思う được sử dụng chung với trợ từ を hướng đến một đối tượng nào đó, thì sắc thái của “suy nghĩ” đó sẽ mang sự “quan tâm về mặt cảm xúc” chính đối tượng đó. Chúng ta có thể xem điều này như là khi “tương lai của trái đất” là đối tượng của 思う.
地球 の未来 を思う
Suy nghĩ về tương lai của trái đất
(sự quan tâm về mặt cảm xúc đến tương lai của trái đất)
Tùy thuộc vào ngữ cảnh, cũng có nhiều cách khác nhau để diễn giải câu trên. Nhưng nó gọi hình dung trong tâm lý bạn về sự tịnh tâm, lo lắng cho tương lai của trái đất. Nếu bạn nhớ 思う là “suy nghĩ bằng con tim”, thì có nghĩa 思う như là đại diện cho loại hoạt đọng tinh thần này. Điều gì xảy ra nếu chuyển “tương lai của trái đất” sang làm đối tượng của 考える?
地球の未来を考える
Suy nghĩ về tương lai của trái đất
(suy nghĩ giải pháp để giải quyết vấn đề tương lai của trái đất)
考える rõ ràng là một hoạt động tinh thần có phương pháp hơn. Nó liên quan đến việc phân tích dữ liệu, thực hiện nghiên cứu, thảo luận, v.v.. Vì lý do đó, “tương lai của trái đất” trong trường hợp này nghe như tên của một hội nghị cấp cao, hay một cuộc thảo luận sinh thái học.
Có một lưu ý phụ ở đây. 〜のこと (những thứ liên quan đến) thường được sử dụng cho cả 思う và 考える. Như là 地球の未来のことを思う/考える. Việc thêm 〜のこと vào đối tượng ngụ ý rằng có các chủ đề liên quan cũng được xem xét. Ví dụ, 地球の未来のこと là muốn nói về những điều liên quan đến tương lai trái đất: môi trường sống tự nhiên, sức khỏe cộng đồng, v.v… cũng sẽ được xem xét. Việc thêm 〜のこと thường làm cho biểu hiện “suy nghĩ về…” này nghe có vẻ tự nhiên hơn.
考える để lên ý tưởng hay kế hoạch
Để đưa ra một ý tưởng hay kế hoạch, bạn sẽ “nghĩ” phải không? Những động từ nào chúng ta sẽ sử dụng cho suy nghĩ chủ động nhằm dẫn đến một ý tưởng hay kế hoạch cụt thể? 思う sẽ không hợp lý trong trường hợp này, vì nó dẫn đến một kết quả cảm tính. Do đó, bạn sử dụng 考える là phù hợp nhất.
日本語のクイズを考える。
Suy nghĩ về bài trắc nghiệm tiếng Nhật
(tôi đang cố giải quyết bài trắc nghiệm tiếng Nhật)パーティのテーマを考える。
Tôi suy nghĩ chủ đề cho bữa tiệc
(tôi đang lên kế hoạch cho bữa tiệc)
考える để ra quyết định
Giống như sử dụng 考える để chỉ về những hoạt động tâm trí có định hướng, như là lên kế hoạch. 思う thì lại không được sử dụng cho những dạng suy nghĩ nhằm ra quyết định. Giả sử bạn đang ở trong một nhà hàng và đang cố gắng quyết định xem nên ăn gì. Sau đó, một người phục vụ đến và muốn nghe bạn order. Bạn liền nói:
もう少し考えます。
Tôi suy nghĩ thêm tí đã
もう少し思います sẽ không phù hợp ở đây, vì 思う không chỉ về dạng suy nghĩ mang đến kết quả. Trong trường hợp này, bạn đang đòi hỏi một kết quả quyết định. Tuy nhiên, 考える (hay 考えます, nếu bạn muốn lịch sự hơn với người phục vụ) thì lại phù hợp, do tính chất của nó là hướng đến một mục tiêu ra quyết định cuối cùng.
Bạn sẽ thường thấy các câu ra quyết định đi kèm với một mệnh đề chứa câu hỏi trong đó. Mệnh đề câu hỏi này thường kết thúc bằng ~か. Nó thể hiện vấn đề mà người nói đang suy nghĩ. Bạn có thể thấy ~か xuất hiện như là trong ví dụ sau:
大学に行くべきかを考える。
Tôi đang suy nghĩ liệu có nên vào đại học
Việc có nên vào đại học hay không là một vấn đề đang cần đi đến một quyết định cụ thể. Thế nên bạn sẽ dùng 考える trong hoàn cảnh này. Để đi đến quyết định, có lẽ bạn cần xem xét các yếu tố khác nhau, như là tài chính, mục tiêu nghề nghiệp và cuộc sống cá nhân v.v…Ví dụ trên thuộc dạng câu hỏi “yes or no”, nhưng nó cũng có thể áp dụng cho những dạng câu hỏi khác. Ví dụ:
次の旅行はどこに行こうか考える。
Tôi đang suy nghĩ xem lần tới sẽ du lịch ở đâu
Bạn có thấy có một câu hỏi được nhúng vào trong câu không? Vấn đề ở đây là “nên đi đâu tiếp trong lần du lịch tới?”, và bạn sử dụng 考える để thể hiện suy nghĩ chủ động cần thiết để đạt được quyết định cuối cùng.
Suy nghĩ chia sẻ quan điểm
Trong phần này, chúng ta sẽ thay đổi trọng tâm từ suy nghĩ chủ động (như nói trên) sang một dạng suy nghĩ khác. Đó là làm thể nào để sử dụng 思う và 考える chỉ nhằm chia sẻ một ý kiến/quan điểm cho ai đó. Việc chia sẻ quan điểm hay ý kiến cá nhân thường đỏi hỏi một sự tương tác. Do đó, các câu ví dụ sẽ ở dạng ます như là thể hiện sự lịch sự.
Khi chia sẻ ý kiến, bạn sẽ thường thấy phần ý kiến của câu sẽ được kết thúc bằng trợ từ と. Nó cũng giống như “tôi nghĩ rằng” trong tiếng Việt vậy thôi. Ví dụ:
それは魚だと思う。
それは魚だと考える。
Tôi nghĩ đó là con cá.
Như bạn thấy, chữ “nghĩ” trong tiếng Việt không thể hiện sự phân biệt gì nhiều. Nhưng trong câu trên, 思う thể hiện một suy nghĩ cảm tính (con tim) còn 考える thể hiện suy nghĩ có lập luận bằng chứng logic (lý trí).
Hãy tìm hiểu sâu hơn một chút về ví dụ này, để làm rõ sự khác biệt giữa hai sắc thái. Giả sử ai đó gửi cho bạn hình ảnh một con sinh vật kỳ lạ, trong như một con cá nóc fugu.
Người hỏi bạn có biết con vật này là gì không. Bạn có thể trả lời:
それは魚だと思います。
Tôi nghĩ đây là một con cá.
(Tôi nghĩ nó là một con cá vì vơi tôi nó trông giống như cá)
hay là:
それは魚だと考えます。
Tôi nghĩ đây là một con cá.
(tôi nghĩ đây là một con cá vì nó có mang, vây và đuôi, đó là những đặc điểm giải phẫu của một con cá)
Thế đấy, khi 考える được sử dụng, nó ngụ ý rằng bạn có một số lý do hợp lý để bảo vệ cho quan điểm của mình. Mặt khác, 思う thì lại cho biết rằng quá trình suy nghĩ của bạn chỉ đơn giản là sự tự phát, trình bày ý kiến dựa trên bản năng của bạn. Nếu cố dịch cho xác thì nó kiểu như “tôi có cảm giác nó là một con cá”. Chính vì sự khác biệt này, nên trong những cuộc hội thoại thông thường 思う được sử dụng phổ thông hơn. 考える thì lại có xu hướng sử dụng trong những văn bản chính thức, hay bối cảnh nào đó đỏi hỏi lập luận có bằng chứng logic đáng tin cậy.
思う và 考える để dự đoán
Dự đoán cũng có nghĩa là bạn đưa ra ý kiến về tương lai. Vì vậy, sự khác biệt mà chúng ta vừa giải thích ở trên cũng áp dụng cho các dự đoán. Hãy bắt đầu với một dự đoán về kết quả của một trận bóng chày:
今日はクラビゲーターズが勝つと思います。
今日はクラビゲーターズが勝つと考えます。
Tôi nghĩ đội Crabigators sẽ chiến thắng hôm nay.
Câu đầu tiên sử dụng 思う nghe như dự đoán đến từ trực giác của bạn. Có thể nó dựa trên kinh nghiệm của bạn khi theo dõi bóng chày lâu năm, hoặc chỉ là hy vọng thuần túy của bạn cho đội bóng bạn yêu thích. Mặt khác, câu với 考える ngụ ý rằng có một logic nào đó trong giả định của bạn. Có thể bạn đã thực hiện các phân tích hồ sơ, thực hiện các thống kê…và đưa ra dự đoán đội Crabigators.
Vì lý do này, mà 考える được sử dụng phổ biến hơn trong văn viết. Mặc dù nó cũng có thể phù hợp với những dịp trang trọng. Nhưng không có nghĩa chúng ta không thể sử dụng 考える để trình bày ý kiến trong những cuộc trò chuyện. Để bày tỏ ý kiến với 考える, chỉ cần bạn biết chắc bạn muốn nói về một điều “bạn đã suy nghĩ kỹ” chứ không đơn thuần là một ý thích ngẫu nhiên. Thêm nữa, nếu đặt 考える ở thể ている, thành 考えている, thì nó cho thấy sự liên tục trong suy nghĩ của bạn từ quá khứ cho đến bây giờ.
今日はクラビゲーターズが勝つと考えています。
Tôi (đã và đang) nghĩ rằng đội Crabigators sẽ chiến thắng hôm nay.
Còn đây là một dự đoán khác:
来週は雨だと思います。
来週は雨だと考えます。
Tôi nghĩ tuần tới trời sẽ mưa
Một lần nữa, 思う ngụ ý dự đoán hoàn toàn dựa trên bản năng của bạn. Có thể bạn nghĩ trời sẽ mưa vào tuần tới vì bạn cảm giác không khí ẩm ướt, hoặc bạn vừa trải qua một dấu hiệu “tâm linh” nào đó mà ông bà để lại. 考える thì lại khiến cho giả định mang tính khoa học hơn, giống như một phóng viên dự báo thời tiết sẽ nói. Tuy nhiên, nên nhớ rằng các phóng viên dự báo thời tiết thì lại sử dụng でしょう thay vì sử dụng 考える. Như vậy, lời dự báo của bản tin sẽ có tính quyết đoán và “thẩm quyền” hơn.
思う và 考える để nhận định
思う và 考える cũng có thể được sử dụng để phán định. Sự khác biệt về sắc thái sử dụng này có phần tinh tế hơn một chút so với những sắc thái khác. Hãy xem ví dụ:
日本はプラスティック袋の使用を減らすべきだと思う。
日本はプラスティック袋の使用を減らすべきだと考える。
Tôi nghĩ Nhật Bản nên giảm sử dụng túi nhựa.
Trong trường hợp này, 思う tạo ấn tượng cho người nghe rằng nhận định của bạn dựa trên cảm xúc. Đơn giản chỉ vì niềm tin chung của bạn rằng túi nhựa không tốt cho môi trường. Sau tất cả, nó chỉ là suy nghĩ từ “con tim”.
Khi bạn sử dụng 考える, nó nghe có vẻ đáng tin hơn. Đồng thời với cách dùng đó, là người nghe ngầm hiểu bạn có những lý luận hợp lý đi kèm để dẫn đến kết luận như thế. 思う sẽ nghe có vẻ phù hợp hơn với những tình huống trò chuyện thông thường. Trong khi 考える sẽ phù hợp hơn trong các cuộc tranh luận, hoặc bạn có một lập luận logic/bằng chứng cụ thể hỗ trợ cho ý kiến của bạn.
思う để phản ứng
Tiếp theo, chúng ta sẽ xem xét một loại ý kiến mang màu sắc cảm xúc nhiều hơn – đó là phản ứng. Đây là những ấn tượng, cảm xúc mà bạn trải qua một cách tự nhiên không thể kiểm soát.
悲しいと思う
Tôi thấy buồn初めて会った日、彼が運命の人だと思った。
Vào ngày chúng tôi gặp nhau lần đầu tiên, tôi đã nghĩ anh ấy chính là người đó.
Cách diễn đạt này tương tự như khi bạn sử dụng động từ 感じる (cảm thấy). Nhưng, lưu ý rằng 感じる nhấn mạnh rằng đó là một phản ứng trực quan, thô sơ, tức thời hơn.
悲しいと感じる。
Tôi thấy buồn
Phân biệt rạch ròi giữa 感じる và 思う sẽ có chút khó khăn. 感じる thể hiện cảm xúc hoặc cảm nhận của bạn thông qua các giác quan. Còn 思う thì phần giác quan đó giảm đi một chút, như thể bạn đã có thời gian để xử lý cảm giác và quan sát đó, thay vì chỉ báo cáo cảm giác ngay hiện tại của bạn.
思う để diễn tả tính không chắc chắn
Thể hiện sự không chắc chắn là một phần trong văn hóa Nhật Bản. Nói chung, người Nhật thường tránh đưa ra những tuyên bố quyết quyết đoán, trừ khi đó là một sự thật tuyệt đối. Và 思う thường được sử dụng thể hiện tính không chắc chắn này. Còn 考える lại được sử dụng để thể hiện độ tin cậy. Nên nó mâu thuẫn với ý tưởng về một điều không chắc chắn nên sẽ không phù hợp.
Ví dụ, bạn của bạn muốn trận đấu bóng chày của đội Crabigators bắt đầu lúc mấy giờ. Vì bạn đang cố nhớ lại thông tin từ bộ nhớ của mình, bạn sử dụng 思う để ngầm nói rằng bạn không chắc chắn 100%.
二時からだと思う。
Tôi nghĩ là từ 2 giờ.
Còn đây là một ví dụ khác:
父さんは、もうすぐ来ると思う。
Tôi nghĩ là bố sắp đến
Việc bố bạn có sắp đến sớm hay không rõ ràng không phụ thuộc vào bạn mà phụ thuộc vào bố của bạn. Vì vậy, bạn không biết chắc chắn.
思う để đưa ra lời thông báo
Cách sử dụng cuối cùng của 思う là loại độc nhất và có thể khiến bạn cảm thấy hơi lạ (so với tiếng Việt). 思う (và sử dụng dạng lịch sự là 思います) thường đuợc sử dụng để đưa ra một thông báo về ý định của người nói tại các sự kiện, bài phát biểu hoặc các cuộc tụ họp công cộng. Ví dụ:
それでは、プレゼンテーションを始めたいと思います。
Tôi nghĩ tôi muốn bắt đầu bài thuyết trình bây giờ
(tôi sẽ bắt đầu bài thuyết trình bây giờ)
Trong ví dụ này, 思います được thêm vào để khiến cho lời tuyên bố trở nên mềm mại hơn và tạo cảm giác khiêm nhường.
Vậy, bạn nghĩ gì về việc “suy nghĩ”?
Hy vọng bài viết này đã giúp bạn có thể “nghĩ” sâu hơn một chút về 思う và 考える. Từ nay, bạn sẽ sử dụng với sự hiểu biết kỹ lưỡng hơn về hai từ này.
Vì 思う khá đơn giản và hữu dụng, nên người học tiếng Nhật thường lạm dụng nó trong văn viết và ngay cả trong các bài tiểu luận. Tuy nhiên, đối với các loại văn bản đặc biệt này, nếu muốn thể hiện độ tin cậy cao, bạn cần sử dụng 考える hoặc các biểu đạt khác như だろう và でしょう. Dĩ nhiên, đừng quên trình bày những lập luận logic và bằng chứng trong trường hợp như vậy.
Ngoài ra, hãy nhớ rằng, nếu bạn thực sự chắc chắn về những gì bạn đang nói và nguồn tin của bạn đáng tin cậy đến mức không có chỗ để tranh luận, bạn có thể cân nhắc để bỏ đi những cách diễn đạt giảm nhẹ như 思う, 考える, だろう, hay でしょう. Bạn có thể quyết đoán, ngay cả khi nó không được “Nhật Bản” lắm. Tất cả phụ thuộc vào cách mà bạn muốn thể hiện bản thân!
Bài viết sử dụng nguồn:
- https://www.tofugu.com/japanese/omou-kangaeru/