in Chia sẻ kinh nghiệm

Trở thành Freelancer tiếng Nhật, tại sao không?

Tại sao không – không có nghĩa là mình kêu gọi các bạn hãy trở thành freelancer tiếng Nhật (giống mình), mỗi người có một con đường khác nhau. Nhưng mục đích mình viết bài này là để chia sẻ hành trình mình gắn bó với tiếng Nhật và quyết định làm việc như một freelancer hơn là một nhân viên (nếu may mắn thì là “sếp”) ở một công ty Nhật nào đó. Và nếu bạn cũng muốn trở thành một freelancer tiếng Nhật thì mình cũng sẽ cho bạn một số lời khuyên hữu ích.

Theo như rất nhiều thành viên trên Nihonblog chia sẻ, mình nhận ra phong trào học tiếng Nhật vẫn còn “hot” và vẫn còn rất nhiều bạn sinh viên, hoặc mới ra trườnng quyết định học tiếng Nhật để trang bị cho hành trang tương lai của bản thân. Rất nhiều bạn đi Nhật và hỏi mình nên học tiếng Nhật thế nào? Giữa một phong trào ai ai cũng muốn xuất ngoại như thế, có rất ít bạn tư duy theo hướng khác đi, ở lại Việt Nam và làm việc tự do kiếm sống bằng tiếng Nhật.

Mình đã trở thành Freelancer tiếng Nhật như thế nào?

Ngay khi mới ra trường mình không làm việc như một freelancer ngay, mà “ngoan ngoãn” xin vào một công ty Nhật và làm việc như một nhân viên bình thường để lấy kinh nghiệm. Thực sự cho đến bây giờ mình vẫn rất thích công việc đó. Nếu bạn biết trang Viet-jo.com – một trang chuyên tin tức Việt Nam nhưng bằng tiếng Nhật – và sếp của Viet-jo.com là người sếp Nhật đầu tiên của cuộc đời mình. Mình làm việc ở vị trí translator, dịch những bài báo Việt Nam sang tiếng Nhật để đăng lên Viet-jo, nghe hoành tráng vậy chứ dịch sai hết trơn, nhưng được đội ngũ người Nhật thảo luận và chỉnh sửa, từ đó mình học được khá nhiều.

Sau một năm mình quyết định xin nghỉ dù rất mến công ty ấy. Lý do –> Mình không muốn bị gò bó môi trường công ty dù nó có tốt đến mấy. Mình nhận ra mình có nhiều mối bận tâm cho gia đình và người thân cùng với những ước mơ riêng. Và đó là tư duy đầu tiên của một Freelancer – Freelancer không phải là người lười biếng hay thích nhảy việc, nhưng là người có mục tiêu riêng và không muốn những điều khác thay đổi mục tiêu đó. Vậy là mình quyết định nghỉ việc, nhưng mừng thay sếp vẫn muốn hợp tác với mình và cho mình dịch bài ở nhà – vậy là cuộc đời freelancer tiếng Nhật của mình bắt đầu từ đó.

Những khó khăn thời gian đầu của Freelancer tiếng Nhật?

Rất khó khăn nhé! Nhưng thời gian đầu sẽ qua nếu bạn kiên trì. Vì chẳng có ai thuê mình dịch, chẳng biết kiếm khách hàng ở đâu. Lúc đó, mình không chỉ tận dụng tiếng Nhật, mà cố gắng tận dụng những sở thích và khả năng khác để kết hợp với tiếng Nhật để đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Mình rất thích làm website từ năm cấp 3. Và có chút kiến thức về web, mình lục hằng ngày trên khắp các trang tuyển dụng nào có kết hợp 2 kỹ năng web + tiếng Nhật (và kết quả cũng không ít). Mạnh dạn gửi CV và đặt vấn đề “muốn làm việc như một freelancer”.

Kết quả sau gần 1 năm, đã có 2 công ty nhận mình ở vị trí IT translator cho mảng thiết kế web của họ. Vậy là mình bắt đầu bận rộn lên.

Và đây là lời khuyên thứ 2: Freelancer là người chủ động hơn bất kỳ ai, linh hoạt và biết tận dụng mọi khả năng mình đó để tìm kiếm khách hàng thích hợp.

Thời gian đầu là thời gian thử thách, với mình nó đã kéo dài 1 năm (không hề ngắn), và đủ để đánh bại sự kiên nhẫn của những ai không đủ quyết tâm.

Đến lúc mọi thứ dần trở nên bận rộn hơn

Một khi đã vượt qua thời gian đầu, những mối quan hệ sẽ đến với bạn cũng như đã đến với mình. Những yêu cầu dịch và những đơn hàng dịch định kỳ sẽ xuất hiện, đây chưa phải là lúc hưởng thành quả, nhưng là lúc chứng minh độ uy tín của mình.

Mình không thể giữ chân khách hàng nếu giao cho họ một bài dịch không tốt. Thực ra, mình cũng đã phạm sai lầm nhiều lần và rút kinh nghiệm trong chuyện dịch. Thế nên, mình càng học hỏi được nhiều và tiến bộ lên hơn. Nhiều người tưởng, làm Freelancer tiếng Nhật thì chủ động thời gian muốn làm lúc nào cũng được, thực ra không phải, để nâng cao uy tín với khách hàng, Freelancer mới chính là người luôn học cách kỹ luật bản thân trong việc sử dụng thời gian.

Thế nên, đây là lời khuyên cuối cùng: Freelancer không có nghĩa sẽ luôn thỏa mái về thời gian, nhưng biết cách kỷ luật bản thân để sắp xếp thời gian làm việc sao cho đảm bảo uy tín với khách hàng.

Đó là 3 lời khuyên xương máu của mình, hiện tại mình vẫn là một Freelancer tiếng Nhật. Có thể bạn đã chọn con đường khác, điều đó không sai vì nó phù hợp với bạn nhưng không phải với mình. Và nếu bạn muốn chọn con đường giống mình, thì hy vọng 3 lời khuyên trên hữu ích cho bạn.

Còn nếu bạn muốn trở thành Freelancer tiếng Nhật vì nghĩ rằng làm công ty Nhật quá khắt khe, quá căng thẳng, không thoải mái, thì ngay trong câu trả lời đó, đã chứng minh bạn không hề phù hợp để làm Freelancer rồi!

Leave a Reply for Hoàng Võ Cancel Reply

Viết bình luận

Comment

11 Comments

  1. quá hay,mình thì 1 năm nay vẫn đang tìm kiếm một công ty có thể cho mình cơ hội được đào tạo chuyên nghiệp về đồ họa anime.tuy mày mò về đồ họa lúc rãnh nhưng vẫn cảm thấy cần một môi trường đào tạo chuyên nghiệp vẫn tốt hơn..cố lên cố lên,tin rằng sẽ có ngày đc làm trong môi trường mình muốn.

  2. Em vừa mới trượt đh 🙁 em định học tiếng nhật rồi thi N2,3 thì có xin được việc k ạ nếu k có bằng đh :(. Mong ad tl giúp em

    • Chào bạn. Bạn có ý định thi lại đại học không? Mình nhận thấy, nhu cầu việc làm tiếng Nhật vẫn còn, nhưng không phải cứ học tới N3 là lương cao là sống khỏe. Phần nhiều phụ thuộc vào năng lực bản thân. Mình đi xin việc bảo có bằng đại học, có N2…nhưng họ chỉ nghe vậy chứ chẳng kiểm tra, thử việc thấy OK thì vào làm luôn. Thế nhưng, những bạn trượt đại học nếu phải vì “thi phận” thì đa phần sẽ là năng lực còn kém (nên mới trượt). Vậy nên, đòi hỏi bạn phải cố gắng rất nhiều. Bạn có thể chọn khoa tiếng Nhật để thi lại, hoặc kiếm bằng cao đẳng, trung cấp, hoặc nghề gì đấy…và học lấy N3, N2 tiếng Nhật. Như vậy sẽ chứng tỏ năng lực của bạn. Còn chỉ học tiếng Nhật không thì phải học cho thật giỏi, tự tin làm chủ được khi phỏng vấn. Chứ nhiều bạn nói có N2 vậy thôi chứ ít gặp người Nhật, chẳng nói được gì. Mình nói vài lời cho bạn hình dung thế nhé.

  3. Ad có thể cho e chút lời khuyên ko ạ? E mới tốt nghiệp ngành tiếng Anh, định hướng là trở thành freelancer về biên dịch và proofreading. E để ý thấy, và như ad đã đề cập, là bên cạnh ngoại ngữ thì mình nên có thêm một hai kĩ năng khác, như vậy mới thuận lợi khi tìm việc. Nhưng e lại ko có gì cả ngoài bằng tiếng Anh, e cũng chưa từng làm cho cty hay chỗ nào cả, ko biết về web như ad hay có một cái nghề cũ nào đó để đi kèm với nghề dự định. E thấy nản quá ad à, chỉ riêng việc hiểu về freelance là e đã hoang mang rồi, giờ tìm người thuê mình càng khó hơn. Ad cho e lời khuyên ạ. Thanks.

    • Chào bạn, bạn nói vậy thì cũng có nghĩa bạn hiểu freelancer nó thế nào rồi. Tưởng dễ nhưng không dễ, nhưng khi làm được rồi thì lại thích freelancer hơn. Hiện tại với tiếng Anh, và bạn chẳng có chuyên môn gì khác, thì công việc dễ tìm nhất là viết content, nếu bạn có sức viết tốt, thời gian đầu có kiếm được 300$/tháng. Nếu bạn kí được hợp đồng với các công ty chuyên về Content Marketing thì sẽ ổn định hơn. Còn nếu bạn đầu tư thê thời gian để học thêm lĩnh vực nào đó, thì CV xin việc của bạn sẽ phong phú hơn. Theo suy nghĩ của mình là vậy. Quan trọng nhất với freelancer thời điểm này vẫn là mối quen biết, nó đem lại công việc cho bạn.

  4. Ad ơi mình cũng học tiếng nhật nhưng mình thích những công việc dịch tài liệu văn bản nếu mà xin vào những công ty như viet-jo có người nhật sửa chữa lại thì có khó lắm không ad. Còn nếu bắt đầu ở vị trí content thì mình phải tự tìm đề tài tự viết rồi gửi cho các công ty chuyên về content hả ad. Mong ad cho lời khuyên. cám ơn ad

  5. Ad ơi ek năm nay 20t hiện tại em muốnhc tiếng nhật . Nhưng chỉ biết tiếng nhật mà không có trình độ cd hay đh về chuyên nghành gì cả thì có thể tìm việc làm đc không ạ. Ad tư vấn giúp e với

  6. ad ơi học xong 50 bài minano nihongo thì học kế tiếp sách gì để đạt n3 và n2 ạ? mình tự học