Bài viết này là quan điểm cá nhân mình đến từ trải nghiệm của bản thân trong việc học Kanji. Mình không phản đối việc bày bán những tài liệu dạy Kanji chủ yếu dựa vào hình vẽ, nhưng mình muốn chứng minh quan điểm rằng: học kanji bằng hình ảnh hiện đang rất tràn lan trên mạng và trong các hiệu sách tiếng Nhật, không phải là một phương pháp hay.
Chẳng phải nguồn gốc của Kanji là chữ tượng hình sao?
Mình hoàn toàn đồng ý điều đó. Khía cạnh nào đó, viết Kanji chính là “vẽ hình”. Ở góc độ của một người thích nghiên cứu về Kanji, chắc chắn bạn sẽ biết rất rõ nguồn gốc và ý nghĩa tượng hình của từng bộ thủ, ý nghĩa của việc ghép các bộ thủ với nhau.
Việc hiểu biết như thế là cần thiết và giúp ích cho học viên sẽ nhớ chữ tốt hơn. Nhưng hiểu biết nguồn gốc tượng hình của Kanji hoàn toàn khác với phương pháp học Kanji bằng hình vẽ như các sách dạy kanji hiện đang bày bán trên thị trường.
Mình sẽ chỉ cho các bạn thấy khác ở chỗ nào!
Thực ra là tự làm khó mình…
Có bao nhiêu bộ thủ Kanji trong tiếng Nhật? Có tất cả 214 bộ thủ.
Nhưng nếu hỏi có bao nhiêu chữ Kanji trong tiếng Nhật thì câu trả lời sẽ gấp 10 lần. Thực ra Kanji thông dụng thì có khoảng 2000 chữ, nhưng nếu xét tất cả hán tự nói chung thì con số lên đến gần 50.000 chữ (theo từ điển Kangxi Dictionary).
Vấn đề mình muốn nói ở đây là, thay vì học kỹ 214 bộ thủ để bắt đầu tìm cách ghép chúng ta lại với nhau từ đơn giản đến phức tạp, nhiều bạn lại bắt đầu với việc ghi nhớ mỗi chữ một hình ảnh khác nhau. Bạn sẽ khiến bộ não của mình làm việc một cách phi khoa học và khó nhọc hơn rất nhiều.
Hơn nữa, cách học như thế nó không giúp ích cho bạn trong việc tập viết chữ Kanji, vì mỗi chữ có rất nhiều nét. Bạn không thể viết từng nét một với việc liên tưởng đến “bức tranh” đã nhớ từ tài liệu nào đó. Bạn phải viết với ý nghĩa đang lắp ráp từng bộ thủ kia! Như vậy, mới đúng là viết Kanji, và cũng tránh viết sai nét hay sai thứ tự nét.
Rất nhiều hình minh họa gượng ép…
Gượng ép ở đây nghĩa là nó không đi ra từ nguồn gốc tượng hình của chữ, như là tác giả tài liệu đang cố gắng vẽ hình ảnh vui nhộn nào đó sao cho có những nét chủ đạo giống như chữ Kanji. Nghe có vẻ thú vị, nhưng nó lại khiến bạn rơi vào vòng luẩn quẩn là nhớ thêm những hình ảnh không liên quan trực tiếp, thay vì nhớ từng bộ thủ vốn là yếu tố quan trọng chủ chốt.
Mình ví dụ ra đây những minh họa gượng ép bạn sẽ bắt gặp rất nhiều trên mạng hay các sách dạy Kanji.
Còn rất nhiều những dạng hình ảnh gượng ép như thế, nhất là những tài liệu học kanji do người phương Tây viết.
Quên và sai nhiều lần là để … nhớ!
Mình chưa từng thấy ai học Kanji mà không nhầm lẫn và bị điểm trừ khi kiểm tra. Thế nên, với Kanji, muốn nhớ thì bạn cần phải bị sai và bị hậu quả cho chuyện “quên” rất nhiều lần. Với mình, đó cũng là một cách để nhớ, dù hơi “thốn” khi bị trừ điểm mỗi lần kiểm tra.
Ở đây mình có 2 lời khuyên:
Thứ nhất: Nếu bạn cảm thấy cách học này giúp bạn nhớ tốt, thì mình nghĩ chỉ nên áp dụng nó trong giai đoạn đầu. Một khi bạn đã nắm vững một số bộ thủ thông dụng, hãy cố gắng phát triển bằng cách kết hợp chúng lại, đừng cố nhớ hình vẽ nữa.
Thứ hai: Nếu có tra hình tượng, hãy tìm đúng những minh họa hợp lý, không phải gượng ép. Và cần phải học những nguyên tắc trong ý nghĩa Kanji. Những nguyên tắc này sẽ là con đường tắt để bạn lần ra ý nghĩa của chữ kanji đó nhanh hơn. Mình đề xuất tài liệu 24 nguyên tắc học kanji.
Bạn nhớ 1 chữ Kanji cũng giống như nhớ tên một đứa bạn. Bạn biết đứa bạn đó tên gì không phải vì bạn đã truy xuất nguồn gốc cái mũi của nó giống mẹ, miệng nó giống ba, trán nó thì giống ông nội…không phải!!!. Chỉ đơn giản là bạn gặp nó nhiều lần và nhớ thế thôi!