in Tiếng Nhật tổng hợp

5 nguyên tắc phải biết để đọc tiêu đề báo tiếng Nhật

Bạn đang đọc bài viết thuộc chuyên đề Tiếng Nhật – những điều thú vị
Một trong những cách suy nghĩ thông thường mà người học tiếng Nhật nên bỏ đó là cho rằng đọc báo tiếng Nhật sẽ mãi là chuyện “xa xỉ” nên chẳng thèm ngó ngàng tới. Thực ra, báo Nhật có những nguyên tắc của riêng nó, và cả ngữ pháp, lối hành văn, Kanji…Theo quan điểm của mình, bạn nên tiếp xúc với dạng văn bản này ngay từ giai đoạn tiền trung cấp.

Ngữ pháp của nó thực chất rất đơn giản, Kanji thì luôn ở trong dạng “Thường dụng Hán tự” tức danh sách 2136 chữ mà trước sau gì bạn cũng phải học qua. Có thể mình bàn chi tiết đến vấn đề này trong một bài viết khác, ở đây mình nói tới hình thức đập vào mắt người xem mạnh mẽ nhất đó là tiêu đề. Có thể vì ngay từ đầu không hiểu được tiêu đề nên bạn mất hứng thú để đọc tiếp. Thế nên, bạn cần biết 5 nguyên tắc đặt tiêu đề báo của Nhật sau đây để ít ra cũng hiểu bài báo nói gì nhé.

1.LƯỢC BỎ TRỢ TỪ VÀ する

Mục đích của điều này chỉ đơn giản là làm cho câu được diễn đạt ngắn hơn mà thôi. Bạn vẫn thường thấy điều này ngay trong chính tiếng Việt mình đúng không. Tuy nhiên, Việt Nam mình hiện tại có xu hướng “giật tít” gây sốc nhiều hơn là đặt tiêu đề gọn gàng xúc tích như Nhật Bản. Bạn có thể xem một ví dụ sau:

tieu de bao 1

伏見稲荷 外国人の心つかむ

ふしみ いなり がいこくじん の こころ つかむ

Đền Fushimi Inari chinh phục trái tim người ngoại quốc

Câu này, đúng ra phải được viết đầy đủ như thế này:

伏見稲荷が 外国人の 心を つかみました。

ふしみ いなり が がいこくじん の こころ を つかみました。

Dĩ nhiên sẽ không tiêu đề báo nào diễn đạt như thế cả, nó quá dài và gây rối rắm cho việc sắp chữ. Lúc mới học tiếng Nhật, mình cũng rất ngỡ ngàng vì chẳng thấy trợ từ hay thể ます ở đâu cả. Bạn xem một ví dụ khác:

tieu de bao 2

富士山 世界遺産に決定

ふじさん せかいいさん に けってい

Núi Phú Sĩ được lựa chọn làm di sản thế giới.

Nếu diễn đạt đầy đủ trợ từ và thể của động từ thì tiêu đề sẽ thành thế này:

富士山が世界遺産に決定されました。

ふじさん が せかいいさん に けってい されました。

Bạn thấy đó, ví dụ được lấy ra ngay từ báo thực tế nhé, đâu phải là quá khó cho các bạn học xong sơ cấp phải không. Chỉ cần quen với hình thức không cần trợ từ và động từ luôn ở dạng liên dụng là bạn có hiểu được tiêu đề và phần nào nội dung bài viết rồi.

2.ず có nghĩa là ない

Điều này cũng chính là ngữ pháp sơ cấp mà thôi. Trong tiêu đề báo, một khi động từ ở thể khẳng định thì nó ở dạng liên dụng, còn nếu là phủ định thì rút ngọn thành ~ず. Bạn sẽ không thấy tiêu đề nào viết là ~しません hay ~ない đâu. Bạn xem ví dụ sau:

tieu de bao 3

50人連絡取れず 伊豆大島土砂崩れ

ごじゅうにん れんらくとれず いずおおしま どしゃくずれ

Lở đất ở Izu Oshima – mất liên lạc với 50 người.

Tiêu đề này nếu có đầy đủ trợ từ và thể ない thì sẽ thành thế này:

伊豆大島の土砂崩れで、50人が連絡が取れない状態です。

いずおおしま の どしゃくずれ で、ごじゅうにん が れんらく が とれない じょうたい です。

Lở đất của Izu Oshima khiến mất liên lạc với 50 người.

3.へ chỉ xu hướng của sự việc

Đó cũng chính là một trong những chức năng của trợ từ へ, không đơn giản là chỉ hướng cho động từ 行く nhưng còn là chỉ đích đến hay xu hướng của sự việc. Có thể sự việc đó chưa đến đích hay chưa hoàn tất, nhưng có thể xem như đang trong kế hoạch để hoàn tất. Bạn xem một tựa đề báo sau:

tua de 3

いよいよ水深8000mへ

いよいよ すいしん はっせん めーとる へ

Đạt đến độ sâu hơn 8000m

Bài báo này nói về một cái máy dò nghiên cứu lòng đại đương cố gắng đến độ sâu hơn 8000m. Trợ từ へ giúp người đọc hiểu đây là mục tiêu mà máy sẽ đạt được.

4.Tên quốc gia thể hiện bằng Kanji

Một trong những cách viêt tắt rất thú vị trong tựa đề báo Nhật mà hầu như người Nhật nào cũng biết đó là những Kanji được sử dụng riêng để chỉ về tên quốc gia nào đó. Vì tựa đề cần phải ngắn, nên hầu như không bao giờ sử dụng tên quốc gia một cách đầy đủ. Mà một quy luật riêng đã được hình thành, trong đó có một vài Kanji thông dụng như sau:

日 にち Japan
米 べい America
英 えい England
独 どく Germany
仏 ふつ France
韓 かん South Korea
伊 い Italy
加 か Canada
露 ろ Russia

Những Kanji này cũng được sử dụng một cách rất thông minh, như là đặt hai chữ cạnh nhau trong tiêu đề để thể hiện mối quan hệ giữa hai quốc gia. Ví dụ:

tua de 4

慰安婦問題日韓合意

いあんふ もんだい にっかん ごうい

Hiệp định Nhật – Hàn về vấn đề “Phụ nữ giải khuây”

Hay mô tả một sự việc xảy ra ở một quốc gia nào đó. Như là:

tua de 5

米自動車の街 破産

べいじどうしゃ の まち はさん

Các khu phố ô-tô của Mỹ vỡ nợ

5.Rút ngắn tên của các cơ quan, tổ chức

Tên của các cơ quan tổ chức lúc nào cũng rất dài, thế nên cũng được rút ngắn lại trong tiêu đề báo. Đây là một vài cái tên thông thường mà có thể bạn sẽ bắt gặp (bạn nào kinh nghiệm sửa bản dịch giúp mình nhé):

日教組(にっきょうそ)

→ 日本教職員組合(にほん きょうしょくいん くみあい)

→ Hiệp hội giáo viên Nhật Bản

全学連(ぜんがくれん)

→ 全日本学生自治会連合(ぜんにほん がくせい じちかい れんごう)

→ Liên đoàn sinh viên tự quản Nhật Bản

tua de 6

自民(じみん)

→ 自由民主党(じゆうみんしゅとう)

→ Đảng Dân Chủ Tự Do

厚労省(こうろうしょう)

→ 厚生労働省(こうせいろうどうしょう)

→ Bộ y tế, lao động và phúc lợi

Viết bình luận

Comment

  1. Về にở cuối câu thì sao ạ.
    Ví dụ 損保は異常気象対策を万全に?
    Có nghĩa là phải thêm するhoặc しなければならないvào ko ạ.